logo

Hội thảo khoa học chủ đề “Phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên chuyên ngành Toán – Thống Kê"

03/05/2010

Ngày 30/03/2008 khoa Toán- Thống kê trường ĐH Kinh Tế TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên chuyên ngành Toán – Thống Kê”. TS. Bùi Phúc Trung, trưởng khoa Toán – Thống Kê phát biểu khai mạc. Theo Thầy trưởng khoa chương trình đào tạo trong nhà trường dựa trên các giáo trình, tài liệu đã được đúc kết kinh nghiệm hàng trăm năm.

Ngày 30/03/2008 khoa Toán- Thống kê trường ĐH Kinh Tế TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên chuyên ngành Toán – Thống Kê”. TS. Bùi Phúc Trung, trưởng khoa Toán – Thống Kê phát biểu khai mạc. Theo Thầy trưởng khoa chương trình đào tạo trong nhà trường dựa trên các giáo trình, tài liệu đã được đúc kết kinh nghiệm hàng trăm năm. Về mặt lý thuyết, chúng ta sử dụng các giáo trình hiện đại của các nước như Mỹ, Anh, Pháp…Còn ví dụ chúng ta lấy ví dụ ở Việt Nam. Việc nghiên cứu khoa học của sinh viên, trước tiên dựa trên nền tảng được trang bị hệ thống lý thuyết hiện đại, sau đó các em sẽ vận dụng những kiến thức đã học, cùng với tư duy sáng tạo, để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Thầy trưởng khoa cũng nhấn mạnh, làm nghiên cứu khoa học là phải đam mê, phải dấn thân. Nếu nghiên cứu khoa học mà dựa trên sự bắt buộc thì sản phẩm mang tính chất đối phó. Sau cùng Thầy trưởng khoa chúc hội thảo thành công, chúc các bạn sinh viên sức khỏe, học tập tốt. Tiếp theo là bài tham luận của TS. Hà Văn Sơn, phó trưởng khoa Toán – Thống Kê. Bài tham luận trình bày một số vấn đề lưu ý khi thực hiện một nghiên cứu khoa học. 
Nghiên cứu khoa học là gì?
Nghiên cứu khoa học là một cách thức con người tìm hiểu sự việc một cách có hệ thống. Nghiên cứu khoa học có thể chia thành hai dạng cơ bản, đó là nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng.

- Nghiên cứu hàn lâm trong một ngành khoa học nào đó là các nghiên cứu nhằm mục đích mở rộng kho tàng tri thức của ngành khoa học đó. Kết quả của nghiên cứu hàn lâm chủ yếu nhằm vào mục đích trả lời cho các câu hỏi về bản chất lý thuyết của khoa học. 
- Nghiên cứu ứng dụng là các nghiên cứu nhằm ứng dụng các thành tựu của khoa học của ngành đó vào thực tiễn của cuộc sống. Kết quả của nghiên cứu ứng dụng nhằm vào mục đích trực tiếp hỗ trợ cho việc ra quyết định.

Nghiên cứu khoa học đối với sinh viên chủ yếu là nghiên cứu ứng dụng. Tuy nhiên nhiều sinh viên nghĩ rằng nghiên cứu khoa học là phải tạo ra các phát minh to lớn, và nếu nghĩ như vậy thường chúng ta cảm thấy mất tự tin khi thực hiện một nghiên cứu khoa học. Thực ra đối với sinh viên những năm đầu, nghiên cứu khoa học có thể là viết các bài tiểu luận, tham gia tham luận các cuộc hội thảo ở cấp khoa và cấp trường. 
Tại sao sinh viên phải nghiên cứu khoa học?
Trước tiên phải thừa nhận rằng nghiên cứu khoa học là công việc khó khăn, đòi hỏi sự đam mê và lòng quyết tâm. Sinh viên nghiên cứu khoa học là thực hiện phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Mặc dù ít ai làm giàu từ nghiên cứu khoa học, nhưng nếu sinh viên có công trình nghiên cứu khoa học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sẽ là giấy thông hành, bảo đảm một chỗ làm tốt khi ra trường. Ngoài ra thông qua nghiên cứu khoa học giúp sinh viên tự tin hơn, có bản lĩnh khi hội nhập với thực tế. Nghiên cứu khoa học còn giúp sinh viên hiểu rõ hơn lý thuyết, kiểm chứng những vấn đề học được từ nhà trường. 
Cách chọn đề tài
- Trước khi chọn đề tài, nên xem xét thế mạnh của mình. Chọn đề tài phù hợp với sở trường, chuyên môn của mình sẽ có khả năng thành công cao.
- Xem xét đề tài đó có ai làm chưa, nếu có thì làm đến đâu? Có thể phát triển theo hướng khác được không? Có thể tra cứu danh mục đề tài trong thư viện. 
- Vào thư viện tham khảo các đề tài của các thầy cô, các bạn sinh viên thực hiện để hình dung cách đặt vấn đề, triển khai vấn đề nghiên cứu như thế nào? 
- Trước khi chọn đề tài cần xác định rõ đề tài nghiên cứu cho ai? Để làm gì? Có hữu ích không? 

Chọn đề tài ở đâu? 
- Từ các đơn đặt hàng của cơ quan thực tế. 
- Từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống. 
- Từ sự yêu thích bản thân. 
- Từ sự giới thiệu của thầy cô. 
- Từ việc thu nhận thông tin từ một nguồn khác. 
Ví dụ một số đề xuất hướng nghiên cứu đối với sinh viên của Viện kinh tế TP.HCM
- Đánh giá các tác động tích cực và tiêu cực đến cuộc sống của người dân thành phố sau khi Việt Nam gia nhập WTO. 
- Vấn đề số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu xã hội trong tiến trình hội nhập. 
- Hoàn thiện các định chế thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường chứng khoán. 
- Vấn đề phân hóa giàu nghèo tác động đến tăng trưởng và phát triển. 
- Phát triển KT-XH của TP.HCM trong mối quan hệ với các tỉnh xung quanh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. 
- Vv…
Tên đề tài
Tên đề tài phải phù hợp với nội dung đề tài. Sau khi hoàn thành đề tài có thể chỉnh sửa tên đề tài cho phù hợp với nội dung đã hoàn thành. Nói chung tên đề tài nếu chịu khó suy nghĩ, chăm chút sẽ hấp dẫn, thu hút người đọc. Việc đặt tên không sát với nội dung đề tài thường sẽ bị bắt bẻ khi bảo vệ đề tài. Lỗi hay gặp thường là tên đề tài có phạm vi rộng hơn nội dung đề tài.

Kết cấu đề tài
Kết cấu một đề tài khoa học thông thường bao gồm 3 phần cơ bản: - Phần I: Trình bày cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu. - Phần II: Trình bày thực trạng của vấn đề nghiên cứu. - Phần III: Trình bày các giải pháp, phương hướng, các đề xuất, kiến nghị… Tuy nhiên tùy theo từng đề tài cụ thể, kết cấu có thể linh hoạt thay đổi.

Quy trình nghiên cứu
Một quy trình nghiên cứu nào, cũng đều trải qua các bước, được khái quát bằng mô hình sau: Trong mô hình này, hướng mũi tên từ trên xuống chỉ trình tự tiến hành các công đoạn của quá trình nghiên cứu. Hướng mũi tên từ dưới lên chỉ những công đoạn cần phải kiểm tra lại, bổ sung thông tin hay làm lại nếu chưa đạt yêu cầu.

Trình bày kết quả nghiên cứu
- Chú ý lỗi chính tả.
- Câu văn dễ hiểu, trình bày mạch lạc. 
- Lập luận chặt chẽ, logic. 
- Tuân thủ những qui định về trình bày. 
Thiết kế bảng câu hỏi
Nếu đề tài liên quan đến việc thu thập dữ liệu sơ cấp, thì phải tiến hành thiết kế bảng câu hỏi. Khi thiết kế bảng câu hỏi cần lưu ý những vấn đề sau: 
- Trước khi thiết kế bảng câu hỏi nên liệt kê những thông tin cần thu thập. 
- Không nên hỏi thừa vì tốn thời gian, kinh phí. 
- Cách đặt câu hỏi phải khéo léo. Thời gian và địa điểm hỏi phải thuận tiện cho người trả lời. 
- Nên điều tra với mẫu nhỏ để rút kinh nghiệm. 
Đạo đức nghiên cứu
Nhà nghiên cứu phải tôn trọng sự thật khách quan của kết quả nghiên cứu. Trong các đề tài nghiên cứu khoa học thường có sử dụng kết quả nghiên cứu hoặc các tài liệu của các tác giả khác. Việc trích dẫn, liệt kê tài liệu tham khảo phải rõ ràng. Các phiếu điều tra thu thập dữ liệu nhiều khi khuyết danh, do đó đòi hỏi tính trung thực của người làm nghiên cứu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nghiên cứu thị trường, Nguyễn Đình Thọ- Nguyễn Thị Mai Trang, NXB ĐHQG TPHCM 2007. 

Tiếp theo là phần trình bày tham luận của TS Huỳnh Thị Thu Thủy với nội dung:” Trình bày một báo cáo khoa học theo chuẩn mực quốc tế” Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, các báo cáo khoa học đóng một vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ là một bản báo cáo về một công trình nghiên cứu, mà còn là một đóng góp cho kho tàng tri thức của thế giới. 

Một báo cáo khoa học có thể là bài báo, một tham luận, một luận văn, hay gần gũi với sinh viên nhất là một tiểu luận. Cho nên ngay từ khi còn là sinh viên, chúng ta nên xây dựng tiêu chuẩn viết báo cáo cho mình theo những chuẩn mực phù hợp với quốc tế nhằm nâng cao chất lượng bài viết, nâng cao tính thuyết phục và thu hút độc giả. 

Nếu không tiếp cận vấn đề một cách có việc hệ thống, tất cả những nỗ lực cho một báo cáo khoa học có thể trở nên vô dụng, thậm chí đem lại ảnh hưởng xấu vì một công trình nghiên cứu sẽ không có cơ hội xuất hiện trên các tập san chuyên môn. Mặc dù ở các nước phương Tây, người ta đã có nhiều bài viết chỉ dẫn – thậm chí cả sách dạy – cách viết một báo cáo khoa học, nhưng ở nước ta, hình như vẫn chưa có một tài liệu chỉ dẫn như thế. Bài viết này, vì thế, được soạn ra nhằm mục đích duy nhất là cung cấp cho bạn đọc những chỉ dẫn đơn giản và thực tế để sao cho bạn đọc có thể tự mình viết một báo cáo khoa học theo chuẩn quốc tế. [1] 

1. Ngôn ngữ
Phần lớn các báo cáo quốc tế đều sử dụng ngôn ngữ là tiếng Anh để có thể truyền đạt rộng rãi đến các đối tượng độc giả không giới hạn biên giới. 

Nhưng quan trọng hơn hết, không phải báo cáo bằng ngôn ngữ gì, mà là phải sử dụng ngôn ngữ một cách rõ ràng, khoa học. Muốn như thế, chúng ta cần sử dụng kỹ năng phân tích dữ liệu và kỹ năng truyền đạt thông tin. 

Báo cáo khoa học phải được viết bằng một văn phong cực kì súc tích, nhưng phải đầy đủ. Đó là những yêu cầu rất khó mà không phải tác giả nào cũng đạt được. 

2. Nội dung báo cáo
Một báo cáo khoa học bao gồm những phần cơ bản sau
Phần dẫn nhập (Introduction) Viết phần dẫn nhập càng sớm càng tốt, ngay khi các công trình nghiên cứu đang được thai nghén. Cần làm sáng tỏ động cơ và lý do nghiên cứu. Tác giả phải tự mình trả lời được tại sao mình làm những gì mình đã làm; thực tế mình đã làm gì; mình phát hiện điều gì mới lạ; và những điều này có ý nghĩa gì? Việc viết sớm sẽ giúp tác giả có thời gian nhìn lại cách đặt mục tiêu của mình có phù hợp hay không, có cần phải điều chỉnh nghiên cứu hay không.
Trong phần dẫn nhập sẽ bao gồm cả nội dung về những công trình liên quan đã xuất bản (literature review). 

Thông thường, ta có ba ý cần làm rõ: 
1. Vấn đề chung là gì? Tình hình hiện nay ra sao? 
2. Vấn đề cụ thể là gì, và còn phần gì chưa được nghiên cứu, chưa được công bố? 
3. Công trình nghiên cứu hiện nay là gì? 

Phương pháp nghiên cứu (Methodology) 

Phần phương pháp nghiên cứu được viết ngay trong khi công trình còn đang dở dang. Làm đến đâu viết ngay đến đó. 
Phần phương pháp phải cung cấp một cách chi tiết những gì tác giả đã làm và làm như thế nào trong công trình nghiên cứu. Ở đây, tác giả phải cẩn thận quân bình giữa hai nhu cầu: súc tích (vì không thể mô tả tất cả các kĩ thuật với những chi tiết chi li) và đầy đủ (tác giả phải trình bày đầy đủ thông tin sao cho người đọc biết được những gì đã làm). Và phải cho người đọc những thông tin liên quan đến tính khái quát hóa (chẳng hạn như đối tượng nghiên cứu là ai, có tiêu chuẩn nào tuyển chọn đối tượng hay không, hay cách thức chọn mẫu như thế nào …) 

Kết quả (Results) 

Phần kết quả phải được viết một cách ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề nêu ra trong phần dẫn nhập. Tác giả phải trả lời cho được câu hỏi “Đã phát hiện gì?” Phần kết quả phải có biểu đồ và bảng số liệu, và những dữ kiện này phải được diễn giải một cách ngắn gọn trong văn bản. Những số liệu này phải trình bày sao cho lần lượt trả lời các mục đích mà tác giả đã nêu ra trong phần dẫn nhập. 
Tất cả các bảng thống kê, biểu đồ, và hình ảnh phải được chú thích rõ ràng; tất cả những kí hiệu phải được đánh vần hay chú giải một cách cụ thể để người đọc có thể hiểu được ý nghĩa của những dữ kiện này. Trong phần kết quả, tác giả chỉ trình bày sự thật kể cả sự thật không như mình mong đợi. Trong phần kết quả, tác giả không nên bình luận hay diễn dịch những kết quả này cao hay thấp, xấu hay tốt, v.v.. vì những nhận xét này sẽ được đề cập đến trong phần thảo luận. 

Thảo luận (Discussion) 

Sơ đồ 1. Khung bài cho phần thảo luận
 

Câu hỏi cần phải trả lời Nội dung
Phát hiện chính là gì?  Phát biểu những phát hiện chính; đặt những phát hiện này vào bối cảnh của các nghiên cứu trước đây.
Phát hiện đó có khả năng sai lầm không ?  Xem xét những yếu tố sau đây: thiếu khách quan trong đo lường và thu thập số liệu? Số lượng đối tượng ít? Cách chọn mẫu có vấn đề? Các yếu tố khác chưa xem xét đến? Phân tích chưa đầy đủ? Chưa điều chỉnh cho các yếu tố phụ? V.v…
Ý nghĩa của phát hiện là gì?  Đặt kết quả của nghiên cứu vào bối cảnh lớn hơn, và so sánh với các nghiên cứu trước đây. Suy luận về cơ chế (nhưng không nên quá lời hay quá xa xỉ trong khi suy luận, mà phải nằm trong khuôn khổ của dữ kiện thật).
Kết luận có phù hợp với dữ kiện hay không?  Kết luận phải rõ ràng, nhưng không nên đi ra ngoài khuôn khổ của dữ kiện. Chẳng hạn như nếu kết quả cho thấy hút thuốc lá làm tăng ung thư phổi, tác giả không nên kết luận rằng ngưng hút thuốc lá sẽ giảm ung thư phổi.


Đây là phần khó viết nhất, và sẽ giúp nêu bật lên kết quả công trình của tác giả. Thông thường phần này gồm những ý sau: (i) giải thích những kết quả; (ii) so sánh kết quả với các nghiên cứu trước đây; (iii) bàn về ý nghĩa kết quả; (iv) chỉ ra ưu điểm và những thiếu sót của nghiên cứu; (v) và cuối cùng là kết luận. 
Tác giả không nên ngần ngại chỉ rõ những điểm yếu của nghiên cứu, những thiếu sót mà công trình chưa làm được. Vì không ai và không có công trình nào là hoàn hảo trong những điều kiện ràng buộc nhất định về tài chính, thời gian, không gian, con người. 

Phần cảm ơn (Acknowledgement) 
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng khi chúng ta nói lên lời cảm ơn những cá nhân, tổ chức, góp công, góp của vào công trình nghiên cứu. Những đồng nghiệp chúng ta có tham khảo ý kiến, những nhà khoa học chỉ ra cho chúng ta hướng nghiên cứu,… 
3. Các phần phụ lục
Sau khi đã hoàn chỉnh nội dung báo cáo, ta có cái nhìn tổng quan về công trình mình đã nghiên cứu, từ đó ta đưa ra các phần phụ lục nhưng rất quan trọng như sau: 

Tựa đề (title) và tóm tắt (abstract) 
Đây là phần đầu tiên quyết định độc giả có tiếp tục đọc bản báo cáo của tác giả hay không, và nó cũng là phần được đưa vào phần danh mục của thư viện. Tựa đề cần được đặt ra trước khi thực hiện nghiên cứu và cần chỉnh sửa lại sau khi đã hoàn thành nghiên cứu và viết xong nội dung báo cáo. 
Phần tóm tắt phải nêu một cách ngắn gọn nhưng súc tích nội dung công trình nghiên cứu, quan trọng nhất phải có những từ khóa (keywords) của lĩnh vực chuyên môn

Hoàn chỉnh các bảng số liệu và biểu đồ, mục lục và phụ lục
Yếu tố thị giác rất quan trọng. Nếu người đọc quyết định đọc bài báo (sau khi đã xem qua tựa đề và bản tóm tắt), họ sẽ tiếp tục xem đến các bảng thống kê và biểu đồ. Các bảng thống kê số liệu thường được dùng để trình bày những số liệu mang tính trang trọng, tính chính xác cao, tính chính thức. Các bảng thống kê có thể dùng để tổng hợp và so sánh số liệu của các công trình nghiên cứu trong quá khứ, để giải thích mối liên hệ giữa các nhân tố trong công trình nghiên cứu, hay trình bày những câu hỏi đã được sử dụng trong công trình nghiên cứu. 
Phần mục lục nên một cách ngắn gọn đầy đủ các nội dung có trong báo cáo
Phần phụ lục gồm những nội dung cần thiết để người đọc có thể hiểu rõ hơn phần nghiên cứu của tác giả

Tài liệu tham khảo
Trong nội dung bài viết, phần nào có sử dụng ý hay kết quả của các nghiên cứu khác. Cuối báo cáo khoa học, cần nêu đầy đủ các tài liệu mình đã sử dụng, không thừa, không thiếu. Cần ghi chú tài liệu tham khảo theo đúng định dạng của nhà xuất bản. 

4. Định dạng báo cáo
Tùy theo loại báo cáo mà tác giả đang tiến hành (ví dụ như luận văn, bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành) mà tác giả chọn cách định dạng phù hợp với yêu cầu nhà xuất bản. 
Đối với luận văn, tham khảo cách định dạng yêu cầu của trường, khoa từ font chữ đến bố cục, trình bày. 
Đối với một bài báo khoa học cần tuân theo yêu cầu của tạp chí về cách trình bày bố cục
5. Cải tiến
Sau khi nhận được ý kiến của người có trách nhiệm nhận xét như giáo viên phản biện, giáo viên hướng dẫn, hoặc người biên tập tạp chí (reviewer), tác giả cần chỉnh sửa nội dung báo cáo cho phù hợp 
Như thế, cách trình bày một báo cáo khoa học không chỉ là phần “hành chính” mà nó lại đóng góp lớn vào thành công của công trình nghiên cứu. Có sự tác động qua lại lẫn nhau giũa kết quả nghiên cứu và báo cáo kết quả nghiên cứu. Một cách làm việc có hệ thống, khoa học sẽ giúp cho công trình nghiên cứu thật sự thành công. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn, V. T. Cách viết báo cáo khoa học cho các tập san khoa học quốc tế. Vietscience 28/07/05. 
Ngoài ra buổi hội thảo còn nghe phần trình bày của Thạc sĩ Hoàng Trọng – GV khoa Toán -Thống Kê, Lâm Thị Bảo Trân cựu sinh viên khoa Kinh Tế ĐHQG TPHCM và nhóm sinh viên ĐHKT TPHCM gồm Đinh Phi Tân, Nguyễn Thanh Trà, Nguyễn Thị Hồng Thu với đề tài:”Các giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ cá Ngừ Đại Dương ở hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên “ đề tài đạt giải của Thành Đoàn TPHCM.