Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chính thức nâng cấp mô hình quản trị thành “Đại học đa ngành, đa lĩnh vực”
04/10/2023
Ngày 4 tháng 10 năm 2023, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định 1146/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) thành Đại học, chính thức trở thành 1 trong 7 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam hoạt động theo mô hình “Đại học đa ngành, đa lĩnh vực”, đồng nhất và hội nhập với hệ thống các đại học tiên tiến trên thế giới. Đây là bước phát triển từ năng lực nội sinh được tích lũy qua gần 50 năm hình thành, phù hợp với yêu cầu thực tiễn ở Việt Nam và xu thế phát triển của đại học trên thế giới.
Như vậy, bên cạnh các “đại học quốc gia”, “đại học vùng”, UEH sẽ là đại học tiếp theo được phát triển thành “đại học đa ngành, đa lĩnh vực”. Đây là mô hình tiêu biểu của các đại học hàng đầu thế giới, gồm 3 cấp độ quản trị: cấp Đại học (University), cấp Trường thành viên (College), Phân hiệu (Branch) và cấp Khoa/Viện (School/Institute). Đáng chú ý nhất, người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ ở các lĩnh vực đào tạo khác nhau vẫn nhận văn bằng tốt nghiệp của thương hiệu Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - UEH. Điều này đảm bảo sự gắn kết giữa cấp đại học với trường thành viên/Phân hiệu; giữa sinh viên, cựu sinh viên các thế hệ với vị thế và danh tiếng vốn có của UEH.
“Thống kê 1000 Đại học đứng đầu Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất QS World, có đến 96% là Đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Do đó, tôi cho rằng, việc nâng cấp mô hình thành Đại học đa ngành, đa lĩnh vực là cơ sở để đưa UEH nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung vươn tầm quốc tế” - Giáo sư Sử Đình Thành, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Hành trình gần 50 năm phát triển, tích lũy từ chính năng lực nội sinh
Việc nâng cấp mô hình quản trị UEH từ “Trường đại học đơn ngành, đơn lĩnh vực” thành “Đại học đa ngành, đa lĩnh vực” là bước phát triển tất yếu phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam và xu thế quốc tế. Điều đặc biệt, đây là bước phát triển từ chính năng lực nội sinh tích lũy gần 50 năm hình thành và phát triển của UEH, trên cơ sở sử dụng nguồn lực bên trong hợp lý, song song với việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế để hoàn thành sứ mệnh, tầm nhìn và định hướng luôn được định hình cụ thể, rõ ràng từng giai đoạn.
“Mô hình “trường đại học đơn ngành, đơn lĩnh vực” ra đời ở Việt Nam những năm sau khi thống nhất đất nước, đã cung cấp kịp thời nguồn nhân lực chuyên môn sâu nhằm phục vụ cho quá trình tái thiết đất nước. Ngày nay, thực tiễn hội nhập, kỷ nguyên số, các thách thức toàn cầu dẫn đến sự phát triển tất yếu của mô hình “đại học đa ngành”, với ưu tiên trang bị kiến thức chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực nhằm giải quyết các vấn đề đương đại và hành động vì sự phát triển bền vững. Xin khẳng định rằng đây là bước phát triển về nội lực, về “chất”, không chỉ dừng lại ở việc thay đổi tên gọi từ “trường đại học” thành “đại học”. Chúng tôi tin tưởng UEH sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.” - Giáo sư Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng trường nhấn mạnh.
Theo đó, để chính thức trở thành Đại học đa ngành, đa lĩnh vực, UEH đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài, bài bản với các kết quả đáng ghi nhận:
Trên cơ sở pháp luật hiện hành và nền tảng giàu truyền thống của một Đại học công lập trọng điểm quốc gia, luôn năng động, tiên phong đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế cùng với một chiến lược phát triển đúng đắn, những bước đi và nỗ lực bền bỉ của cả một cộng đồng UEHer rộng lớn, đến nay, UEH đã nhận được sự đồng thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND Thành phố, các Bộ, Ngành và chính thức được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển từ “Trường đại học đơn ngành, đơn lĩnh vực” thành “Đại học đa ngành, đa lĩnh vực”. Đây là bước chuyển mình căn bản để trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, gắn với phát triển bền vững, nhằm đẩy mạnh phục vụ phát triển đất nước và đẩy mạnh hội nhập quốc tế đa lĩnh vực.
Giá trị thực tiễn của mô hình Đại học đa ngành, đa lĩnh vực
Với những thành tựu vốn có trong lĩnh vực Kinh doanh, Quản lý, Kinh tế, Luật, Ngôn ngữ; việc nâng cấp mô hình quản trị và vận hành thành “Đại học đa ngành, đa lĩnh vực” đồng nghĩa với việc UEH sẽ phát triển mở rộng các lĩnh vực mới, đặc biệt là Máy tính, Công nghệ và Thiết kế theo hướng ứng dụng. Theo đó, hoạt động đào tạo, nghiên cứu “theo hướng liên ngành”; hợp tác quốc tế và kết nối cộng đồng “theo hướng gắn liền với thực tiễn” sẽ được thực hiện bởi các Trường thành viên và Phân hiệu dưới sự định hướng, quản trị thông suốt từ cấp Đại học, trên nền tảng các nguyên tắc chất lượng vốn có.
Bên cạnh đó, các tên gọi của nhà trường vốn đã trở nên quen thuộc với cộng đồng UEHer, đặc biệt kể từ giai đoạn tái cấu trúc (năm 2021 đến nay) sẽ trở nên chính thức từ thời điểm này. Cụ thể nhất, tên gọi “Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh” sẽ xuất hiện trên văn bằng tốt nghiệp của tất cả bậc, hệ. Do đó, giá trị chất lượng bằng cấp UEH và niềm tự hào thương hiệu nhà trường vẫn được duy trì, phát triển. Đây là điểm mấu chốt gắn kết viên chức, người học, cựu sinh viên của các Trường thành viên/Phân hiệu thuộc UEH thành một tổng thể thống nhất, tạo nên sự phát triển bền vững của mô hình UEH đa ngành, đa lĩnh vực.
Điều quan trọng nhất, mô hình quản trị và vận hành mới sẽ “gia cố” thêm phẩm chất đào tạo, năng lực nghiên cứu, chuyển giao tri thức và kết nối cộng đồng, gắn liền với thực tiễn thời đại. Đây là bệ phóng tốt để phát triển năng lực cạnh tranh thương hiệu UEH trong nước và quốc tế, mà đối tượng thụ hưởng trực tiếp là các thế hệ người học, viên chức. Cụ thể:
Sự kiện UEH chuyển đổi mô hình thành Đại học đa ngành, đa lĩnh vực là một cột mốc đáng ghi nhận trên hành trình gần 50 năm phát triển, thể hiện sự phát triển toàn diện của UEH trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế. Bước tiến này giúp UEH một lần nữa đến gần hơn với đích đến vào năm 2030: trở thành Đại học đa ngành có danh tiếng học thuật và bền vững trong khu vực Châu Á./.
Tin, ảnh: Phòng Marketing - Truyền thông